Thời kỳ xác lập mô hình kinh tế chung cho cả nước Kinh tế Việt Nam, 1976-1986

Mô hình kinh tế

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, nước Việt Nam thống nhất. Ngày 16 tháng 5 năm 1975, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đã trực tiếp vào miền Nam nắm tình hình, gồm cả tình hình kinh tế. Ông thừa nhận những yếu tố tích cực của kinh tế tư nhân và của thị trường tự do ở miền Nam.[1] Tại cuộc họp trù bị của Hội nghị lần thứ 24 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III, ông đã phát biểu[2]:

Ở miền Bắc trước đây phải hợp tác hóa ngay lập tức. Nhưng miền Nam bây giờ không thể làm như vậy... Phải có tư sản, phải cho nó phát triển phần nào đã... Bộ Chính trị sau khi nghiên cứu thấy rằng cần phải để mấy thành phần kinh tế là quy luật cần thiết trong giai đoạn bước đầu này... Xưa nay ở miền Bắc chúng ta có một số sai lầm, là vì chúng ta đã đi sai quy luật. Nếu chúng ta đi sai quy luật mà đưa vào miền Nam thì càng sai lắm.

Tuy nhiên, đa số Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc ấy muốn áp dụng mô hình kinh tế của miền Bắc cho miền Nam. Vì thế, Hội nghị cuối cùng quyết nghị: xóa bỏ tư sản mại bản, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư sản dân tộc, thí điểm xây dựng hợp tác xã, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ.[3]

Tiếp theo, Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng Lao động Việt Nam được tổ chức vào tháng 12 năm 1976. Tại đây, Đại hội quyết nghị đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Nội dung chính của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội là:

Thứ nhất, thực hiện sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Sản xuất lớn có nghĩa là nền kinh tế dựa vào những đơn vị có quy mô lớn, huyện trở thành pháo đài kinh tế-xã hội, các tỉnh được sáp nhập lại còn 29 tỉnh. Còn sản xuất xã hội chủ nghĩa tức là nền kinh tế dựa vào 2 thành phần kinh tế cơ bản: quốc doanh (trong côngthương nghiệp) và tập thể (trong nông nghiệp - với hợp tác xã cấp cao là nòng cốt). Để thực hiện được sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, cần tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: quan hệ sản xuất, khoa học kỹ thuật, và văn hóa tư tưởng. Cách mạng quan hệ sản xuất có nội dung cơ bản là cải tạo các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể, biến chúng thành các thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể - gọi chung là cải tạo xã hội chủ nghĩa.[4]

Thứ hai, làm chủ tập thể. Đây là một tư tưởng do Lê Duẩn sáng tạo mà rất ít người hiểu, kể cả các nhà triết học.[5]

Thứ ba, áp dụng chế độ kế hoạch hóa tập trung. Đây là mô hình chung ở các nước xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam nó được thực hiện theo một công thức do Lê Duẩn sáng tạo, đó là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân lao động làm chủ. Tại Đại hội IV, đường lối này được thể hiện bằng chủ trương tiến hành kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 1976-1980. Theo kế hoạch do Đại hội IV định hướng, sản xuất xã hội sẽ tăng bình quân hàng năm 14-15%, thu nhập quốc dân tăng 13-14%, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 8-10%, năng suất lao động xã hội tăng 7,5–8%, lương thực quy thóc đạt ít nhất 21 triệu tấn vào năm 1980, thịt hơi các loại đạt 1 triệu tấn.[6]

Thứ tư, công nghiệp nặng được lựa chọn làm ngành động lực chính của tăng trưởngphát triển kinh tế.

Thứ năm, Nhà nước độc quyền về kinh tế đối ngoại.

Đẩy mạnh sản xuất tập trung ở miền Bắc

Theo Kế hoạch 5 năm 1976–1980 thì diện tích đơn vị sản xuất, tức hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc tăng gấp hai đến 2,5 lần hầu kích thích sản xuất nhưng năng suất vẫn trì trệ. Tính trên đầu người thì lượng thực phẩm ở Miền Bắc giảm từ 248 kg vào năm 1976 xuống chỉ còn 215 kg vào năm 1980. Dù không đạt được mục đích chính phủ vẫn quyết định áp dụng cùng một chính sách ở Miền Nam vừa mới thống nhất.[7]

Cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam

Tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân thực tế hàng năm.

Hợp tác hóa

Việc hợp tác hóa ở miền Nam được tiến hành khẩn trương trong các năm từ 1977 đến 1980. Theo kế hoạch thì ruộng đất được tập hợp lại để tổ chức canh tác tập thể, sản phẩm được phân chia căn cứ theo mức đóng góp. Máy móc nông nghiệp của nông dân bị trưng mua để thành lập các tập đoàn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các tập đoàn sản xuất có nghĩa vụ bán sản phẩm của mình cho Nhà nước theo giá kế hoạch thấp hơn rất nhiều giá thị trường. Bù lại, Nhà nước cung cấp vật tư và hàng hóa tiêu dùng cho các tập đoàn.[8] Tuy nhiên tình hình kinh tế Miền Nam không thích hợp với mô hình hợp tác hóa vì chương trình "Người cày có ruộng" vào đầu thập niên 1970 đã phân phối ruộng đất khiến đa số nông dân Miền Nam thuộc hạng trung nông với năng suất khá cao. Hơn nữa chính quyền cũng đã nhận thấy lịch sử hợp tác hóa ở miền Bắc đã gặp nhiều thất bại nên hợp tác hóa ở miền Nam cũng bị bỏ dở.[7]

Tính đến cuối năm 1979, ở Miền Nam thành lập được 1.286 hợp tác xã và hơn 15.000 tổ sản xuất bao gồm khoảng 50% nông dân. Vậy mà sang năm 1980 các tổ chức này đã tan rã, chỉ có trên giấy tờ mà không hoạt động được như kế hoạch. Hậu quả là sản xuất nông nghiệp khựng lại trong khi dân số tăng, gây ra cảnh thiếu thực phẩm khiến từ năm 1976 đến 1980 mặc dù trong hoàn cảnh hòa bình Việt Nam phải nhập cảng 5,6 triệu tấn thực phẩm.[7]

Cải tạo công thương nghiệp

Cuối tháng 8 năm 1975, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã chỉ đạo tiến hành các chiến dịch cải tạo. Tiếp theo, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam thông qua một kế hoạch nhắm vào tư sản mại bản, gọi bằng mật danh là Chiến dịch X2. Đợt 1 của chiến dịch này thực hiện bất ngờ vào nửa đêm ngày 9 tháng 9 năm 1975; đợt 2 được tiến hành từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 12. Trong Chiến dịch X2, nhiều nhà tư sản lớn của miền Nam đã bị bắt, tài sản của họ bị tịch thu.[9]

Song song với tấn công tư sản mại bản, chiến dịch di dân thành phố về nông thôn, đưa những người buôn bán về các vùng kinh tế mới.[10] Phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội chung cả nước, ngày 25 tháng 6 năm 1976 ông Lê Duẩn chủ trương:

ở miền Nam, những người trước đây nhờ chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ mà có một mức sống vật chất vượt xa khả năng của nền kinh tế trong nước và kết quả lao động của bản thân họ, nên hiểu rằng đó là một cuộc sống phồn vinh giả tạo, đổi bằng đau khổ, chết chóc của hàng triệu đồng bào, bằng sự triệt phá biết bao xóm làng, thị trấn, bằng sự sa đọa của biết bao thanh niên, bằng sự chà đạp nhân phẩm của biết bao phụ nữ ở các vùng tạm bị chiếm, và bằng nhục mất nước. Họ nên hiểu rằng lối sống chạy theo những nhu cầu giả tạo theo kiểu "xã hội tiêu thụ", đua đòi theo những thị hiếu tầm thường, hoàn toàn trái với cuộc sống hạnh phúc văn minh chân chính. Những đồng bào ấy ngày nay có thể và cần trở lại với thực tế, trở về với cuộc sống của dân tộc, sống bằng kết quả lao động của mình. Đó là con đường để tiến tới một cuộc đời tươi vui, đẹp đẽ, có ý nghĩa, có phẩm giá, có hạnh phúc thật sự và lâu bền cho chính mình và con cháu mình.[11]

Dù vậy, các hoạt động cải tạo công thương ở miền Nam cho đến trước năm 1978 vẫn diễn ra một cách thận trọng. Vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó là Nguyễn Văn Linh là người am hiểu tình hình giới tư sản miền Nam, nên các biện pháp của ông mềm dẻo, tỏ thái độ trân trọng và có văn hóa đối với giới tư sản.[12] Nhưng chính điều này khiến Nguyễn Văn Linh bị mất chức bí thư thành ủy vào năm 1978, bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị, điều chuyển khỏi công tác phụ trách Ban Cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương sang phụ trách công tác dân vận, công đoàn.[13]

Từ năm 1978, hoạt động cải tạo công thương nghiệp diễn ra mạnh hơn. Đối tượng bị cải tạo rộng hơn trước. Sâu rộng với toàn giới là cuộc đổi tiền năm 1978.

Thống nhất tiền tệ

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam thống nhất lãnh thổ và tiếp sau đó là thống nhất về chế độ chính trị. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tự giải tán và chính thức hợp nhất với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ra đời chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng tuyên bố hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế quốc gia vẫn còn bị chia cắt trên một số lĩnh vực. Một trong số đó là việc tồn tại đồng thời 2 đơn vị tiền tệ: Đồng (tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)Đồng (tiền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Việc chấp nhận 2 đơn vị tiền tệ cùng tồn tại thời gian đầu được Đảng Cộng sản Việt Nam giải thích là "tuy là một nước thống nhất, nhưng do còn có sự khác biệt về phương thức sản xuất và phân phối, chúng ta phải tạm thời cho lưu hành hai đồng tiền khác nhau ở hai miền."[14] Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn xem điều này là "trở ngại trong giao lưu kinh tế và thanh toán giữa hai miền"[15]. Mặt khác, quốc hiệu của Việt Nam đã được đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không dùng quốc hiệu cũ vẫn ghi trên các đơn vị tiền tệ đang lưu thông. Do đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương thống nhất tiền tệ.[15]

Ngày 1 tháng 4 năm 1978, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08-NQ/TW về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi tiền ngân hàng cũ ở hai miền, thống nhất tiền tệ trong cả nước. Nội dung nghị quyết có đoạn:

Tình hình mới đòi hỏi phải thống nhất tiền tệ và củng cố tiền tệ trong cả nước, làm cho đồng tiền của ta thực hiện được chức năng là thước đo giá trị của hàng hoá, là phương tiện để lưu thông hàng hoá, để tính toán và thanh toán giữa các ngành kinh tế quốc dân, là công cụ trong tay Nhà nước để tổ chức sản xuất, lưu thông, phân phối, tổ chức đời sống nhân dân, phục vụ cải tạo các thành phần kinh tế theo chủ nghĩa xã hội và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.
Việc phát hành tiền mới, thống nhất tiền tệ lần này phải đạt được những yêu cầu chủ yếu sau đây:

1. Xây dựng hệ thống tiền tệ thống nhất và ổn định cho cả nước, làm công cụ có hiệu lực trong tay Nhà nước để thúc đẩy kế hoạch hoá tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống nhân dân, phân công mới lao động xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo các thành phần kinh tế theo chủ nghĩa xã hội.
2. Qua thu đổi và quản lý tiền tệ và những biện pháp kinh tế khác, tước đoạt lại phần thu nhập của bọn đầu cơ tích trữ, bọn ăn cắp và những nguồn thu nhập không chính đáng khác, góp phần đấu tranh nhằm xoá bỏ bóc lột, xoá bỏ lối làm ăn phi pháp, phá rối thị trường của tư thương, phục vụ và thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa cả nước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
3. Nắm tình hình thu nhập bằng tiền ở các vùng, trong các cơ quan, xí nghiệp và các tầng lớp dân cư để có kế hoạch và biện pháp tăng cường công tác tổ chức điều hoà lưu thông tiền tệ, bảo đảm yêu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, phục vụ lưu thông hàng hoá và thúc đẩy việc cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế, quản lý tài chính trong các ngành và ở các địa phương.

Nội dung này cho thấy việc thống nhất tiền tệ vừa bao gồm mục đích tạo thuận lợi cho trao đổi và thanh toán, vừa bao gồm mục đích kiểm soát lượng tiền trong lưu thông, lại vừa bao gồm mục đích cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Ngày 02 tháng 5 năm 1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã ra quyết nghị số 230 NQ-QH/K về việc Thống nhất tiền tệ trong cả nước, thu đổi tiền Ngân hàng Nhà nước hiện đang lưu hành ở hai miền Việt Nam và phát hành tiền mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngày 05 tháng 5 năm 1978, công việc đổi tiền được tiến hành trên toàn quốc. 1 đồng (tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đổi bằng 1 đồng mới, 0,80 đồng (tiền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) đổi bằng 1 đồng mới.[14]

Mức tiền mặt được đổi ngay được ấn định như sau: Mỗi hộ độc thân được đổi ngay đến mức tối đa ở thành thị là 100 đồng, ở nông thôn là 50 đồng; Mỗi hộ gia đình có 2 nhân khẩu được đổi ngay ở thành thị mức tối đa là 200 đồng, ở nông thôn là 100 đồng; Mỗi hộ gia đình có 3 nhân khẩu trở lên được đổi thêm cho mỗi nhân khẩu ở thành thị là 50 đồng, ở nông thôn là 30 đồng, những hộ nhiều nhân khẩu nhất cũng chỉ được đổi ngay đến mức tối đa ở thành thị là 500 đồng, ở nông thôn là 300 đồng; Mỗi nhân khẩu trong các hộ tập thể, như bộ đội, công an vũ trang, công nhân viên chức, sinh viên... được đổi ngay đến mức tối đa là 100 đồng. Ngoài số tiền mặt được đổi ngay, số còn lại được ghi vào sổ tiết kiệm hay tiền gửi và được rút ra cho sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh.[14]

Hội nhập kinh tế

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Hoa Kỳ lập tức triển khai cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 năm sau, Hoa Kỳ đã có dấu hiệu muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam. Henry Kissinger đề nghị Việt Nam cùng Hoa Kỳ thảo luận bình thường hóa quan hệ. Tổng thống Gerald Ford đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ tạm ngừng cấm vận Việt Nam trong 6 tháng để tạo điều kiện cho trao đổi giữa 2 nước. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì đề ra lộ trình 3 bước bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sang bỏ cấm vận Việt Nam và tiến hành viện trợ nhân đạo nếu Việt Nam trao trả hài cốt binh sĩ Hoa Kỳ và không đặt vấn đề bồi thường chiến tranh. Ngày 4 tháng 5 năm 1977, Hoa Kỳ đồng ý để Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc.[16]

Tây Âu sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam. Năm 1978, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng đi thăm một loạt nước Tây Âu.[16]

Đông Nam Á muốn tạo dựng mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Năm 1977, Phạm Văn Đồng đi thăm các nước Philippines, Singapore, Thái Lan.[16]

Dù có quan hệ quốc tế khá thuận lợi để đẩy mạnh hội nhập kinh tế rộng rãi, nhưng Việt Nam đã không tranh thủ. Năm 1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế.

Tình hình thực hiện

Do sản xuất kém phát triển, hàng hóa không đủ, nên việc phân phối bị kiểm soát bằng chế độ tem phiếu

Việc thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm 1976-1980 gặp nhiều khó khăn. Trước tiên là nguồn viện trợ từ phía các nước xã hội chủ nghĩa giảm sút. Đặc biệt, viện trợ từ Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn từ năm 1977. Các nguồn viện trợ này gồm những mặt hàng quan trọng như gạo, sợi, đường, sữa, vải vóc, thuốc men, v.v… Sau khi tham gia Hội đồng Tương trợ Kinh tế, Việt Nam phải theo thể chế giá của khối này, trong đó có nguyên tắc giá trượt. Với nguyên tắc này, mức viện trợ 1,5 tỷ ruble cho Việt Nam chỉ có sức mua bằng 600-700 triệu ruble trước khi vào khối.[17] Thứ hai, từ năm 1978, Khmer Đỏ tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Chi tiêu cho quốc phòng của Việt Nam vì vậy tăng mạnh. Tháng 1 năm 1979, Việt Nam phản công đánh sang Campuchia. Chiến sự ở biên giới phía Bắc bùng nổ. Chi phí quốc phòng lại càng tăng vọt. Viện trợ cho Lào và Campuchia cũng tăng lên. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây và Nhật Bản vốn có viện trợ cho Việt Nam đã ngừng cung cấp viện trợ. Thứ ba, cuối năm 1978 và cả năm 1979, đồng bằng sông Cửu Long chịu những trận lũ lớn. Diện tích canh tác bị ngập úng tới 5-6 tháng. Thứ tư, và quan trọng, là cơ chế kinh tế mới áp dụng ở miền Nam đã khiến cho nền kinh tế miền Nam nói riêng và cả nước nói chung sa sút.